Melanin là gì? Melanin có ảnh hưởng gì đến da?
Bạn thường quan tâm đến việc làm trắng, sáng da nhưng bạn có biết, melanin chính là yếu tố quyết định về sắc tố da cũng như các vấn đề liên quan đến thâm, sạm nám. Vậy melanin là gì? Cơ chế hoạt động của melanin như thế nào? Melanin có ảnh hưởng tốt hay xấu đến làn da? Bài viết này sẽ giúp bạn hiểu rõ về melanin.
1. Melanin là gì?
Melanin là các sắc tố tự nhiên của cơ thể, có vai trò trong việc quyết định màu sắc của da, tóc và mắt. Melanin được tạo ra bên trong melanosome bởi các tế bào hắc tố (melanocyte). Đây là một quá trình phức tạp gọi là quá trình hình thành sắc tố (Melanogenesis).
Có thể bạn chưa biết, melanin mang yếu tố di truyền. Đó là lý do vì sao người châu Á thường có màu da vàng, người châu Âu lại có màu da trắng và người châu Phi lại có màu da sẫm hơn.
2. Cơ chế hình thành và hoạt động của melanin là gì?
Quá trình hình thành sắc tố diễn ra chủ yếu tại lớp đáy của biểu bì và nang tóc. Tại đây, các tế bào hắc tố (melanocyte) sẽ chịu trách nhiệm cho việc sản sinh melanin.
Sự tổng hợp melanin được diễn ra bên trong bào quan melanosome. Bào quan này chứa hấu hết tất cả các protein liên quan đến sắc tố da, bao gồm enzyme Tyrosinase. Đây là một enzyme đóng vai trò quan trọng nhất trong quá trình tổng hợp melanin.
Quá trình phức tạp này diễn ra khi các enzyme Tyrosinase được kích thích (tác nhân có thể là tia UV,…) và chuyển hoá 1 loại acid amin là Tyrosine thành các sắc tố melanin.
Lúc này, sẽ có 2 loại melanin được sản sinh là Eumelanin và Pheomelanin. Tỷ lệ giữa hai loại melanin này sẽ quyết định màu da và tóc của chúng ta.
Người da sáng sẽ có tỷ lệ Pheomelanin nhiều hơn, do đó dễ bị ảnh hưởng bởi tia UV hơn. Ngược lại, người có màu da sẫm lại có tỷ lệ Eumelanin cao hơn, đồng nghĩa với việc khó mắc phải ung thư da hơn.
3. Melanin có cần thiết cho da?
Ngoài việc đóng vai trò quyết định về đặc điểm làn da, màu tóc của con người, melanin còn là yếu tố then chốt bảo vệ làn da trước tác động của tia UV từ ánh sáng mặt trời. Theo cơ chế trên, melanin sẽ được sản sinh khi làn da bị kích thích bởi tia UV từ ánh nắng mặt trời, từ đó các melanosome di chuyển lên vị trí nhân của tế bào sừng và tạo nên sắc tố bảo vệ DNA khỏi tia UV.
Trong trường hợp cơ thể không có hoặc gặp tình trạng rối loạn melanin có thể dẫn đến nguy cơ mắc bệnh bạch biến, bạch tạng hoặc thậm chí tệ hơn là ung thư da.
4. Ảnh hưởng trên da của Melanin là gì?
Ngoài những lợi ích tích cực của melanin đem đến cho làn da, việc tăng sinh quá mức hoặc rối loạn sắc tố cũng gây ra nhiều vấn đề trên da, bao gồm việc: sạm, nám, đồi mồi, tàn nhang,… Tất cả những ảnh hưởng này chỉ xoay quanh về vấn đề thẩm mỹ trên da.
Melanin gây nám da
Nám là tình trạng rối loạn tăng sắc tố trên da. Biểu hiện của nám là các mảng đốm tối màu xuất hiện ở những vùng thường hay tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Nguyên nhân chính gây nên tình trạng nám da là do các tế bào hắc tố bị kích thích hoạt động bởi việc tiếp xúc với tia UV, dẫn đến thúc đẩy quá trình hình thành sắc tố bởi các enzyme Tyrosinase và chuyển các Melanosome lên lớp tế bào sừng, gây nên các mảng sắc tố trên da.
Tình trạng nám được chia thành 3 dạng:
- Nám đốm: là các nốt tối màu, nhỏ, kích thước từ 1 – 5mm, mọc riêng lẻ chứ không theo cụm.
- Nám mảng: thường xuất hiện ở hai gò má, có tính lây lan.
- Nám hỗn hợp: xuất hiện cả hai loại nám trên.
Ngoài ra, các nguyên nhân khác có thể gây nên nám da còn là do di truyền, vấn đề nội tiết tố, mang thai,…
Tình trạng nám da thường xuất hiện ở nữ giới nhiều hơn nam giới. Điều này được lý giải là do việc tác động đến Estrogen (một trong những hormone quan trọng đối với phụ nữ) có thể kích thích tế bào hắc tố, kích thích enzyme Tyrosinase.
Melanin gây tàn nhang
Biểu hiện của tàn nhang là nhiều đốm sắc tố nhỏ, li ti (1-3mm) trên mặt, đặc biệt là gò má, mu bàn tay, vai,… Đây là tình trạng tăng sắc tố thừa dưới da, gây nên bởi việc tiếp xúc thường xuyên với ánh nắng mặt trời. Tàn nhang được xác định về mặt di truyền, thường bắt đầu xuất hiện cho đến độ tuổi vị thành niên và tồn tại cả đời.
Melanin gây đồi mồi
Đồi mồi là tình trạng các mảng tối màu như xám, nâu, đen với kích cỡ dưới 3cm. Các đốm đồi mồi dễ dàng xuất hiện ở vị trí trên mặt và mu bàn tay. Tình trạng đồi mồi có nguyên nhân tương tự như tàn nhang, được gây nên bởi việc kích thích tăng sinh tế bào hắc tố và tăng sinh hoạt động enzyme Tyrosinase. Tuy nhiên, khác với tàn nhang, đồi mồi thường xuất hiện ở những người lớn tuổi.
Melanin gây tăng sắc tố sau viêm
Tăng sắc tố sau viêm (Post-Inflammatory Hyperpigmentation) là tình trạng vùng da sau tổn thương có màu sẫm hơn những vùng còn lại. Điển hình là thâm mụn, vết thương sau bỏng,… Tình trạng này không phân biệt độ tuổi, loại da mà là kết quả của việc tăng sinh melanin quá mức sau viêm.
5. Cách điều trị tình trạng tăng sắc tố melanin
Ức chế Tyrosinase
Enzyme Tyrosinase đóng vai trò quan trọng trong việc tổng hợp melanin trên da. Để cải thiện vấn đề tăng sắc tố, việc ức chế Tyrosinase chính là biện pháp vô cùng phổ biến và hiệu quả.
Một số hoạt chất nổi trội trong việc ức chế enzyme Tyrosinase tổng hợp melanin như:
- Hydroquinone: giúp ức chế hoạt động của enzyme và làm giảm sản sinh tế bào hắc tố bằng các liên kết histidine. Ngoài ra, hoạt chất còn ức chế luôn khả năng hình thành sắc tố. Tuy nhiên, giải pháp này lại có rủi ro làm mất sắc tố vĩnh viễn nếu không có sự chỉ định và theo dõi của bác sĩ.
- Arbutin: một dẫn xuất khác của Hydroquinone giúp ức chế hình thành hắc tố, ứng dụng làm sáng da. Tuy nhiên, Arbutin thường được ưu tiên hơn bởi không có các tác dụng phụ như Hydroquinone.
Ngoài ra, một số hoạt chất giúp điều trị tình trạng tăng sắc tố khác như: Acid Kojic, Azelaic Acid,…
Ức chế vận chuyển melanosome
Quá trình các melanosome được chuyển đến vị trí nhân của tế bào sừng là giai đoạn quan trọng trong việc xuất hiện các sắc tố trên da. Do đó, một giải pháp nữa giúp tác động đến vấn đề tăng sắc tố da chính là ức chế sự vận chuyển melanosome.
Một hoạt chất được ứng dụng trong việc làm sáng da, giảm thâm nám phổ biến đó chính là Niacinamide. Niacinamide hoạt động bằng cách ức chế vận chuyển melanosome lên tế bào sừng, từ đó ngăn chặn sự xuất hiện của các tế bào hắc tố trên da.
Ngoài ra, Niacinamide còn có khả năng trong việc kiểm soát dầu thừa, cải thiện chức năng hàng rào da,… hạn chế tình trạng viêm gây nên bởi mụn trứng cá, gián tiếp giảm thiểu khả năng tăng sắc tố sau viêm.
Tham khảo: Tinh chất chứa 2% Niacinamide giúp làm đều màu da, chống lão hoá.
Tăng sinh và tái tạo tế bào biểu bì
Khi các sắc tố melanin đã hiện rõ trên lớp tế bào sừng của da, giải pháp lúc này chính là giúp loại bỏ và thay mới lớp tế bào này. Một số hoạt chất bạn có thể sử dụng để hỗ trợ đẩy nhanh chu kỳ thay da tự nhiên là nhóm dẫn xuất Retinoids. Hoạt động bằng việc tăng sinh tế bào và bình thường hoá chu trình thay da, hoạt chất giúp hỗ trợ loại bỏ các lớp tế bào đã bị ảnh hưởng bởi quá trình hình thành sắc tố, ức chế chuyển giao melanosome.
Các thành phần tẩy tế bào chết hoá học AHA, BHA cũng có khả năng loại bỏ tế bào sừng trên cùng, giúp lấy đi các tế bào có chứa melanin. Ngoài ra, AHA còn tác động lên việc ức chế enzyme Tyrosinase tổng hợp melanin.
Chống oxy hoá
Hoạt chất chống oxy hoá nổi bật được ứng dụng trong việc làm sáng da có thể kể đến là Acid Ascorbic và các dẫn xuất Vitamin C. Những hoạt chất này tác động đến vấn đề tăng sắc tố da bằng cách ức chế hoạt động của enzyme Tyrosinase, giảm sự tổng hợp melanin trên da.
Chống nắng
Đối với các giải pháp cho vấn đề tăng sắc tố, rối loạn sắc tố, chống nắng được xem là giải pháp được ưu tiên hàng đầu. Sử dụng kem chống nắng giúp can thiệp vào giai đoạn đầu tiên của việc hình thành sắc tố, đó chính là kích thích các enzyme Tyrosinase.
Việc sử dụng nhiều giải pháp cải thiện tăng sắc tố nhưng không bảo vệ da trước tia UV không chỉ hạn chế hiệu quả mà còn phản tác dụng của các hoạt chất như Retinol, Vitamin C,… Kể cả khi không gặp các vấn đề về sắc tố thì việc bảo vệ da trước ánh nắng mặt trời cũng vô cùng quan trọng.
6. Tổng kết
Thông qua bài viết này, hy vọng bạn đã có thể hiểu được Melanin là gì? Cơ chế hình thành và hoạt động của Melanin cũng như những ảnh hưởng của Melanin trên da. Có thể thấy, Melanin vừa cần thiết cho da, nhưng cũng vừa đem lại vấn đề da nếu không bình ổn được Melanin. Nắm được nguyên nhân và phân biệt được các vấn đề da, bạn sẽ có những phương pháp cải thiện các vấn đề về sắc tố da phù hợp cho riêng mình.